Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Xin đừng đánh rơi trẻ

Người ta chào nhau trên khắp thế giới: “Xin bảo trọng”, “Take care!”. Đó là lời nhắc không được bất cẩn trong bất kỳ trường hợp nào. Và nếu có bất cẩn để xảy ra gây hậu quả không hay thì thường được gán cho là tại số.

Đừng để con trẻ bị thế giới ảo "bắt cóc" suốt ngày (ảnh minh họa, nguồn: phapluattp.Vn)

Nhưng bất cẩn với trẻ mỏ không phải là ngẫu nhiên, cũng chẳng do mệnh nào an bài. Đơn giản, đó là bất cẩn với trẻ vậy thôi! Và sự bất cẩn này do con người gây ra nên con người có thể tránh được chứ không thể bó tay bất lực.

Mỗi năm nước ta có hàng trăm con nít chết đuối trong mùa hè, trong các trận bão lụt. Đuối nước vì không biết bơi. Ai chịu nghĩa vụ cho trẻ học bơi? Đó là bác mẹ, anh chị và nhà trường. Bố mẹ có thể làm thêm giờ để kiếm thêm miếng thịt, bát cơm cho con trong thời kinh tế khó khăn. Có thể hy sinh cả thân xác mình để nuôi con khôn lớn, được học hành. Nhưng chỉ trong tích tắc, đứa con được chắt chiu, bú mớm hàng chục năm trời bỏ bố mẹ, bỏ trần vậy mà đi trong một tai nạn đuối nước, chỉ vì bố mẹ đã làm quờ quạng vì con trừ việc cho con tập bơi. Chẳng khác gì chính bác mẹ và nhà trường đã vô tình “đánh rơi” trẻ xuống nước.

Trẻ bị đánh rơi bằng nhiều cách khác nhau, do nghèo, thiếu hiểu biết hay mê muội, và cả vì giàu, rất giàu nữa.

Người nghèo mất gần toàn bộ thời gian để kiếm cơm, không thể chăm sóc con cái. Không ít gia đình đã đánh rơi trẻ mà không hay vì không thể làm gì khác hơn. Không trông được trẻ, không có tiền cho trẻ đi du lịch, nghỉ hè hay đến khu vui chơi đắt tiền, họ bật TV suốt ngày, có khi suốt cả mùa hè và biến cái màn hình hủy diệt thị lực trẻ nít cũng như đầu óc non nớt của chúng thành người giữ trẻ rẻ tiền. Vì nghèo mà cực chẳng đã cho con đi làm công trái luật, quẳng trẻ ra đường phố tự kiếm sống hoặc đỡ đần cho bố mẹ về tiền bạc. Đường phố có thể làm trẻ được miễn dịch thói xấu, được thử thách sống và điều đó có lợi cho chúng. Nhưng đường phố cũng có quá nhiều cạm bẫy và ngốn không ít đứa trẻ bị “đánh rơi”, kể cả giàu lẫn nghèo.

Người giàu, thậm chí những người rất giàu cũng vì bất cẩn hoặc kém hiểu biết mà “đánh rơi” quý tử của mình. Họ chiều chuộng con tuyệt đối vì thừa khả năng. Những iphone, ipad và tiện nghi đắt tiền khác được họ mua cho chúng từ tấm bé. Những đứa trẻ “bất hạnh” này bị thế giới ảo bắt cóc suốt ngày, trở thành kẻ đơn chiếc bệnh hoạn. Chúng có phòng riêng, có người giúp việc lo cơm cháo, giặt giũ, có gia sư gà bài. Và chúng chỉ còn mỗi việc là cúi mặt suốt ngày xuống cái màn hình bé xíu, nay trở thành thế giới ham thích duy nhất của chúng, thay thế cho chim trời cá nước, mây gió bốn mùa. Hoặc không thế thì những cậu “con trời” được chiều chuộng mọi nhu cầu sẽ chẳng bao giờ hiểu được của nả từ đâu mà có, con người sống vì cái gì. Ba má chúng đã đánh rơi chúng mà không hay biết, cứ tưởng mình đang “tất tật vì con em chúng ta!”.

Con trẻ càng ngày càng ít vì gia đình chỉ có hai con. Trẻ nào, bất kể trai hay gái cũng trở thành con hiếm. Nhưng đừng vì vậy mà nghĩ rằng dễ có điều kiện nuôi dạy trẻ đúng cách. Khó mà kể hết những cách “đánh rơi” con nít của người nghèo lẫn người giàu trong thời đại suy vi đạo đức ngày nay. Các bậc cha mẹ, xin hãy bảo trọng!

Nguyễn Quang Thân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.